Rất nhiều người sau khi khỏi Covid-19 thường gặp phải các tình trạng như mệt mỏi, hụt hơi, dù lao động nhẹ, làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và học tập. Vậy khắc phục tình trạng này bằng Đông y như thế nào?
1. Nguyên nhân hậu COVID-19 theo Đông y
Theo các nghiên cứu hiện đại thì SARS-CoV-2 tấn công hầu hết các cơ quan nội tạng của cơ thể như: Phổi, tim mạch, tiêu hóa, mắt, thần kinh, gan, thận, hệ miễn dịch…
Tuy nhiên, đối với các triệu chứng hậu COVID-19 như mệt mỏi, hụt hơi… thì xếp vào chứng khí hư trong y học cổ truyền.
Các chứng này thuộc vào phạm trù chứng hư lao đã được nêu trong các sách y văn kinh điển của nhà y như Nội kinh, Kim quỹ yếu lược từ rất sớm. Vậy khí là gì? Có mấy loại khí? Khí ở đâu ra và trong cơ thể con người thì tạng nào chi phối Khí ?
Chúng ta thường hay nghe nói muốn khỏe thì Âm-Dương phải cân bằng, hài hòa. Nhưng đó là khái niệm chung chung, trừu tượng, vậy cụ thể là cái gì cần cân bằng trong trường hợp hậu COVID-19 này?
Người xưa cho rằng, cơ thể con người gồm lục phủ ngũ tạng:
- Có 5 tạng: Tâm (tim), tỳ (lách), phế (phổi), can (gan), thận (cật)
- Và 6 phủ: Tiểu trường (ruột non), đởm (mật), vị (dạ dày), đại trường (ruột già), bàng quan (bọng đái) và tam tiêu.
Mỗi tạng phủ đều có tính âm dương của nó. Tuy nhiên để tạng phủ hoạt động được phải nhờ vào sự vận hóa của tinh – khí huyết – tân dịch, thông qua hệ thống kinh lạc mà phân bố đi khắp toàn thân để nuôi dưỡng cơ thể.
Trong đó, Khí là vật chất vô hình hoạt động liên tục trong cơ thể, duy trì và điều tiết chuyển hóa trao đổi chất của cơ thể, duy trì các hoạt động sống của cơ thể, vận động của khí dừng có nghĩa là sự sống chấm dứt.
Thông qua hoạt động cơ năng của tạng phủ mà phản ánh ra: Tâm khí, phế khí, tỳ khí…
Khí bao gồm:
- Nguyên khí (do khí của cha mẹ sinh ra)
- Tông khí (do phế hô hấp khí tự nhiên kết hợp với “tinh khí thủy cốc” do tỳ vị hóa sinh tạo thành)
- Dinh khí (phần tinh trong đồ ăn thức uống được tỳ vận hóa tạo thành)
- Vệ khí, là do chất tinh của đồ ăn uống hóa sinh nên, là một bộ phận dương khí của cơ thể; vận chuyển nhanh, đi ngoài thành mạch, phân bố khắp toàn thân. Sở dĩ gọi là vệ khí vì nó có tác dụng phòng ngừa sự xâm nhập của ngoại tà.
Trong cơ thể con người thì hai tạng liên quan tới Khí nhiều nhất là Phế (chủ khí) và Tỳ (sinh khí) ứng với ngũ hành Tỳ Thổ sinh Phế Kim nghĩa là như vậy.
Qua lâm sàng, người ta thấy những người có biểu hiện của khí hư gồm một trong các triệu chứng như: Người mệt mỏi, tay chân yếu, ngại nói, thở ngắn gấp, tự ra mồ hôi, ăn kém, ngủ kém, sắc mặt trắng, chất lưỡi đạm, mạch yếu, vô lực hay kết đại.
Biểu hiện như thế nào?
Người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh thường có các triệu chứng như mệt mỏi, uể oải, sức lao động giảm, đi lên cầu thang hoặc gắng sức một chút thấy mệt, hụt hơi, đánh trống ngực, chóng mặt… người có biểu hiện da xanh xao, nhợt nhạt.
Mạch: Trầm nhược hoặc vi, tế.
Bài thuốc điều trị mệt mỏi, hụt hơi.
Trong thực tế lâm sàng có rất nhiều trường hợp tuy cùng bệnh nhưng phương thuốc điều trị khác nhau, tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người. Ví dụ như khí hư kèm theo dương hư, huyết hư thì phải gia giảm cho phù hợp.
Đối với chứng bệnh giới thiệu ở đây thuộc khí hư, bệnh phần nhiều tại Phế, nhưng các tạng khác như Tâm, Can, Tỳ, Thận cũng bị hao hư theo. Do đó, phương pháp điều trị và phương thuốc như sau:
Phương pháp chữa: Đại bổ khí huyết
Phương dược: Nhân sâm dưỡng vinh thang gia giảm.
Thành phần gồm: Nhân sâm 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thục địa 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, quế tâm 4g, sinh hoàng kỳ 12g, trần bì 6g, viễn chí (bỏ lõi) 6g, ngũ vị tử 6g, đại táo 5 quả, sinh khương 3 lát, cam thảo 6g, hạt sen 15g, đông trùng hạ thảo 12g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần, uống sau ăn 30 phút.
Giải thích bài thuốc
Bài thuốc này được lập phương dựa trên bài Thập Toàn Đại Bổ và có gia giảm cho phù hợp với thực tế. Trong đó công dụng của bài thuốc này nhằm mục đích bổ khí huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần. Khí huyết chủ yếu do hai tạng Tỳ và Phế chi phối, vì vậy các vị thuốc trong bài này được đưa vào cũng nhằm mục đích trên, cụ thể:
- Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, là chủ dược. Con người ta khí dư đầy thì khỏe mạnh, khí hư thì mệt mỏi, đoản hơi, không có sức lực… nhân sâm kết hợp thêm với hoàng kỳ (ích khí cố biểu) làm tăng thêm khí.
- Đương quy, bạch thược, thục địa bổ huyết, bổ âm; mà khí huyết lại không thể tách rời nhau. Nội kinh có câu “Dương sinh Âm trưởng”. Do đó, việc kết hợp với các vị thuốc bổ khí sẽ làm sinh huyết tốt hơn là nghĩa như vậy.
- Trần bì, quế tâm có tác dụng ôn kinh, thông kinh lạc để khí huyết được vận hành thông sướng, đi tới lục phủ ngũ tạng, cơ nhục mà nuôi dưỡng toàn thân.
- Bạch truật, phục linh, cam thảo có tác dụng kiện tỳ, táo thấp, làm cho hệ tiêu hóa khỏe hơn.
- Viễn chí (bỏ lõi), hạt sen có tác dụng dưỡng tâm an tâm, ninh tâm định chí, các vị thuốc bổ khí huyết giúp khí huyết đầy đủ, tâm tỳ được nuôi dưỡng, ngũ tạng được dưỡng vinh.
- Đông trùng hạ thảo bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ người bị suy nhược, mệt mỏi…
Trong cách lập phương của người xưa, chúng ta không nên hiểu theo mỗi khía cạnh dược tính của mỗi vị thuốc riêng lẻ như bên Tây y, mà phải hiểu theo sự vận hóa của âm dương ngũ hành trong cơ thể con người, phải thấy tổng thể để thấy được cái nào hư, cái nào thực rồi từ đó mới đưa thuốc vào để lập lại cân bằng. Khi âm dương, khí huyết hài hòa thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, các chứng hậu của COVID-19 cũng từ đó mà khỏi.